LỀ LUẬT

VỀ BỐN LỀ LUẬT

Giáo Hội đã lập ra bốn lề luật. Những lề luật này đặt nền tảng trật tự cho việc tổ chức cuộc sống trong thế giới. Các luật đó: thứ nhất là luật thiên nhiên; thứ hai là luật dục vọng; thứ ba là luật giao ước cũ qua Mai-sen; thứ bốn là luật giao ước mới qua  Đức Giê-su Ki-tô. Tóm tắt của tôi như thế có đúng không?

Trước hết, phải nói các lề luật đó không có cùng một cấp độ ngang nhau. Luật thiên nhiên cho biết chính thiên nhiên cũng có một sứ điệp luân lí. Công cuộc tạo dựng còn mang một nội dung tinh thần, và nội dung này không chỉ mang tính cơ giới toán học. Sứ điệp luân lí là chiều kích nâng khoa học tự nhiên lên trong các luật thiên nhiên. Nhưng không phải chỉ có tinh thần, không phải chỉ có „luật thiên nhiên“ trong cuộc tạo dựng. Tạo dựng tiềm ẩn trong nó một trật tự, và nó cũng chỉ cho ta thấy trật tự đó. Qua trật tự này, ta đọc được suy nghĩ của Thiên Chúa và hiểu được mình phải sống ra sao.

Điểm thứ hai: Luật dục vọng muốn nói lên rằng sứ điệp của tạo dựng đã bị che mờ. Tội lỗi trong thế giới là một thứ đối lực chống lại sứ điệp đó. Luật này cho thấy con người, như người ta vẫn nói, đang chống lại mình. Về điểm này, Phao-lô đã nói như sau: Con người cảm thấy có sự hiện diện của một luật trong họ, nó khiến họ nhiều khi làm chuyện trái với mong muốn của mình. Điều này như vậy là một cấp độ khác. Trong khi luật thiên nhiên cho biết sứ điệp tiềm ẩn nơi tạo dựng, thì luật dục vọng cho thấy con người tự xây cho mình một thế giới riêng, và như vậy đã mang vào thế giới một chiều hướng đối nghịch.

Đó là điều đặc biệt thánh Tô-ma ở Aquino đã diễn tả và kiện toàn?

Vâng. Tô-ma là tổng hợp và kết quả của những điều trên.

Điểm ba : luật giao ước cũ. Cả luật này cũng có nhiều tầng ý nghĩa. Căn bản của luật này là mười giới răn ở núi Si-nai. Thêm vào đó, cả 5 sách của Mai-sen cũng được gọi là « luật ». Các sách này là bộ luật của Is-ra-en. Chúng đề ra những quy tắc sống, những lề lối cầu nguyện và những quy định đạo đức phải theo cho dân này. Phao-lô đã xét kĩ các luật đó, và nhận ra rằng luật Mai-sen đã là một quyền lực thật sự. Luật này vẫn còn giá trị cho dân Do-thái, và trên nhiều bình diện, cho cả chúng ta nữa, chúng ta sẽ bàn thêm chuyện này sau. Nhưng Phao-lô đồng thời cho hay, luật đó hoàn toàn không thể giải phóng được con người. Lí do: Luật càng đòi hỏi mạnh bao nhiêu thì bản năng chống lại nó càng lớn bấy nhiêu.

Chính  Đức Giê-su Ki-tô, theo Phao-lô, là kẻ đã giải phóng lề luật, đã đưa tự do đức tin và tình yêu thay thế lề luật. Tiếp nối í của thánh Phao-lô, Tô-ma ở Aquino đã nói tới một luật gọi là luật Đức Ki-tô, và luật này có một bản chất hoàn toàn khác. Thánh Tô-ma nói, luật mới, luật Đức Ki-tô, là Thánh Thần, nghĩa là đó là một sức mạnh thúc đẩy ta từ bên trong, và ta không hoàn toàn bị lệ thuộc bởi bên ngoài.

Như vậy chúng ta có tất cả bốn tầng khác nhau : thứ nhất là sứ điệp của tạo dựng. Thứ hai là khuynh hướng đối nghịch của con người trong lịch sử, muốn chống lại Thiên Chúa và muốn tạo cho mình một thế giới riêng. Thứ ba là tiếng nói Thiên Chúa trong Cựu Ước, Cựu Ước đề ra cho con người một con đường, nhưng con người chống lại con đường đó và xem ra họ bất lực trong việc chống đó. Luật giao ước cũ tạm thời vẫn còn, nó mở ra cánh cửa vượt qua nó. Và cuối cùng thứ tư là Đức Ki-tô, Ngài đã đến trong ta không qua các lề luật bề ngoài, và đã mở ra một hướng nội tâm cho cuộc đời chúng ta.

Nhưng câu này của  Đức Giê-su làm cho tôi khó chịu : « Đừng nghĩ rằng tôi đến để phá lề luật và các tiên tri. Tôi đến, không phải để phá, mà để làm cho trọn. Amen, tôi cũng muốn nói điều này : Cho tới khi trời đất qua đi, một nét chữ nhỏ nhất trong luật cũng không qua đi, cho tới khi tất thảy mọi sự đã xảy ra ».

Đức Ki-tô đến không như một kẻ phá luật. Ngài không đến để bãi bỏ luật hay biến nó thành ra vô nghĩa. Phao-lô cũng hành động như thế, cả cho dù một số người theo quan điểm của ngài nhận thấy có điều khó hiểu trong câu nói của  Đức Giê-su được ghi lại bởi Mat-thêu trên.  Đức Giê-su nói, toàn bộ luật cũ có vai trò sư phạm rất quan trọng. Và Ngài đến để làm trọn nó. Điều này cũng có nghĩa là để nâng nó lên một tầm cao hơn. Ngài làm trọn nó qua cuộc khổ nạn, qua cuộc sống và sứ điệp của Ngài. Và nhờ vậy, toàn bộ luật đó giờ đây mới có được ý nghĩa. Tất cả những gì luật cũ gói gém và muốn nói lên, đã được thực hiện nơi con người  Đức Giê-su.

Đó là lí do tại sao chúng ta giờ đây chẳng cần phải thực thi từng mớ chi tiết của luật cũ nữa. Sống cộng đoàn với Đức Ki-tô có nghĩa là chúng ta đang ở nơi luật đã được nên trọn, nơi luật có chỗ đứng đúng của nó, nơi nó đã được « nâng lên », nghĩa là nơi nó được bảo tồn và đồng thời cũng được biến thể.

Có biết bao nhiêu thư viện chứa đầy những bộ luật quy định cách sống chung và cách hành xử cho con người trong các quốc gia. Nhưng ngược lại,  Đức Giê-su muốn tóm tắt những luật đó trong vài câu dễ hiểu và có thể áp dụng cho mọi người trên trái đất, Ngài muốn có một bộ luật chính yếu cho thế giới.

Trước câu hỏi: Thưa Thầy, điều luật nào quan trọng nhất, Ngài trả lời : « Ngươi nên yêu Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết tâm hồn và với hết mọi ý nghĩ. Đó là điều luật thứ nhất và quan trọng nhất. Điều thứ hai cũng quan trọng không kém : Ngươi nên yêu tha nhân như chính ngươi ». Và Ngài còn nói thêm, như thể để cho mọi người có thể nắm bắt: « Hai điều luật đó là toàn bộ lề luật và các tiên tri ».

Quả thực đó là bước đột phá lớn, là tổng hợp quan trọng mà  Đức Giê-su đã mang tới. Ngài giúp ta vượt qua mọi góc độ và chi tiết để nhìn vào tổng thể : tất cả mọi thứ đều nằm sẵn trong hai điều răn đó. Thiên Chúa và tha nhân gắn liền với nhau. Như vậy,  Đức Giê-su đã đơn giản hoá vấn đề một cách tuyệt diệu, đây không phải là Ngài coi nhẹ hay tầm thường hoá, nhưng là cơ bản hóa vấn đề. Ngài đưa ra ánh sáng tâm điểm của vấn đề, tất cả mọi chuyện đều đặt nền trên đó, đều xoay quanh nó, không có nó là không được, như Phao-lô đã nói. Nếu không có nó như là giới răn nền tảng, thì mọi chuyện chúng ta nói đều là phèng la inh ỏi mà chẳng thực tế. Mọi hành vi sùng mộ và mọi thứ sinh hoạt sẽ là trống không, nếu trong chúng không có hồn tình yêu. Chúng không giúp ta đụng được với Chúa và cũng chẳng giúp được gì cho tha nhân. Như vậy thì việc tóm kết và đơn giản hoá đó quả là một đột phá nền tảng, nó chỉ ra sự đơn giản của Thiên Chúa và đồng thời cũng cho thấy nét đẹp và cao cả trong đòi hỏi của Ngài.

Ta hẳn biết rằng, trong Is-ra-en xưa, luật pháp và quy chế luân lí quốc gia đều hoà chung làm một với lề luật phụng tự. Qua biến cố  Đức Giê-su, những thứ đó đã được tách ra. Tôn giáo có thể nói giờ đây nhận được bản chất riêng của nó. Tôn giáo vẫn là hồn cho quốc gia và luật pháp quốc gia, và nó vẫn đề ra mực thước đạo đức cho quốc gia, nhưng luật pháp quốc gia giờ đây không còn là một với những gì đạo đức hay đức tin dạy.

Với cái nhìn đó, các quốc gia càng ngày càng phải tạo ra cho mình những quy định và tiêu chuẩn pháp lí riêng. Nhưng những cái đó sẽ trống rỗng, nếu chúng không có hồn, và nếu con người từ thâm tâm không nhận ra được yêu cầu nền tảng của cuộc sống, và từ đó biến những quy định hành xử có tính cách thuần bề ngoài đó trở thành một cuộc chung sống hài hoà, công bình.

Có phải đó là điều mà ngài đã có lần phát biểu: luật thiên nhiên đúng nghĩa là một luật đạo đức?

Đúng. Như đã nói, thiên nhiên không những mang trong mình những luật diễn biến, như khoa học tự nhiên nghiên cứu, mà còn cả một sứ điệp sâu xa nữa. Sứ điệp này soi đường dẫn lối ta. Và khi Giáo Hội nói tới luật thiên nhiên, thì đây không phải là những luật của khoa học tự nhiên, mà đó là bảng chỉ đường nội tâm mà Tạo hoá đã bật sáng trong ta.